I.Ung thư vú là gì
Một khối U có thể là lành tính hoặc ác tính. Trong đó Ung thư vú là dạng U ác tính
Ung thư vú thường xuất hiện phổ biến hơn ở nữ giới. Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy
Ung thư vú bắt đầu khi một nhóm tế bào tuyến vú tăng trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát, cứ tiếp tục nhân lên và lấn át tế bào bình thường. Tế bào ung thư sau đó lan rộng tới những bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn
II.Nguyên nhân của ung thư vú là gì
Có 9 yếu tố nguy cơ gây ung thư vú của nữ giới:
1.Giới tính, tuổi tác
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 100 lần ở nam giới và thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
2.Gen
Khoảng 5 – 10% ung thư vú có liên quan đến những đột biến gen được di truyền từ các thế hệ trước trong gia đình. Gen được biết đến nhiều nhất là BRCA1 và BRCA2, cả hai gen này đều làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng
Vì vậy, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn di truyền và làm xét nghiệm máu phát hiện gen BRCA khi gia đình có người thân bị ung thư vú hoặc các loại ung thư khác
3.Di truyền
Khoảng 15% phụ nữ mắc ung thư vú có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú trước đó. Nếu trong gia đình có một người bị ung thư vú ( mẹ, dì, chị em gái ruột) thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp đôi. Có hai người bị bệnh ung thư vú nguy cơ sẽ tăng gấp 3 lần. Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị mắc bệnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường khác
4.Tuổi hành kinh sớm và mãn kinh muộn
Những người có tiền sử dậy thì sớm ( trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn ( sau 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường khác. Nguyên nhân là do những người phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone Estrogen và Progesterone.
5.Không sinh con hoặc không cho con bú
Những phụ nữ không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn sau tuổi 30, không cho con bú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
6.Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú hoặc từng bị ung thư
Xơ vú, áp xe vú…nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư. Hơn nữa việc chẩn đoán ung thư vú sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bệnh nhân mắc thêm những bệnh lý về tuyến vú này.
Những người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người bình thường
7.Chế độ ăn, béo phì
Phụ nữ uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ, đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan…
8.Ít vận động
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ít vận động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Hoạt động cơ thể cường độ mạnh ít nhất 2 giờ/ tuần làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú
9.Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone
Những phụ nữ tránh thai bằng uống thuốc hoặc bằng dụng cụ tránh thai có chứa hormone sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn các biện pháp tránh thai không dùng hormone khác
III.Những dấu hiệu nhận biết ung thư vú
Đa phần ung thư vú được phát hiện là do chính người bệnh, khi họ ghi nhận thấy một sự thay đổi ở tuyến vú. Thường gặp nhất đó là một khối bướu hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú. Hoặc cũng có thể do bác sĩ phát hiện qua một lần khám sức khỏe định kỳ
Cần phải nghi ngờ ung thư vú khi thấy bất kỳ khối u bướu nào ở vú đối với phụ nữ trên 30 tuổi. Mặc dù khoảng 80% khối bất thường ở vú là lành tính
Những dấu hiệu nhận biết có thể kể đến như:
1.Đau vùng ngực
Vùng ngực có cảm giác đau âm ỉ, không có quy luật rõ ràng. Có nhiều khả năng đây là tín hiệu cảnh báo ung thư vú ác tính giai đoạn sớm. Nếu vùng ngực đau, nóng rát liên tục hoặc ngày càng dữ dội thì bạn nên cần đi khám ngay.
2. Thay đổi vùng da
Hầu hết những người mắc phải căn bệnh này thường thay đổi màu sắc và tính chất da ở vùng ngực. Vùng da thường có thể xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lúm đồng tiền, vùng da xung quanh thường có mụn nước, ngứa lâu không dứt điểm.
3. Sưng hoặc nổi hạch
Sưng hạch bạch huyết không chỉ là dấu hiệu của các bệnh thông thường như cảm cúm, nhiễm trùng mà còn cả bệnh ung thư vú. Nếu có khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng da kéo dài trong vài ngày mà bạn không rõ nguyên nhân thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú.
4. Đau lưng, vai hoặc gáy
Một số phụ nữ khi mắc phải bệnh này thay vì đau ngực thì thường có cảm giác đau lưng hoặc vai gáy. Những cơn đau thường xảy ra ở phía lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, có thể nhầm lẫn với việc giãn dây chằng hoặc các bệnh liên quan trực tiếp đến cột sống.
Những tính chất sau của khối bướu gợi ý ác tính:
Cứng
Không đau (chiếm khoảng 85–90%)
Không đồng nhất, bờ không rõ
Dính vào thành ngực hoặc da trên vú, khó di động
Núm vú bị lõm vào
Chảy máu núm vú
IV.Các giai đoạn ung thư vú
Không giống các loại ung thư khác, ung thư vú là một bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu được phát hiện sớm, khoảng 80% bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu
1. Ung thư vú giai đoạn 0 (Giai đoạn đầu)
Ở giai đoạn đầu này, các tế bào ung thư vú được bác sĩ phát hiện ra trong các ống dẫn sữa. Ta gọi đây là ung thư vú không xâm lấn, hay có cách gọi khác là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ. Bệnh nhân sẽ được điều trị bệnh ung thư vú để ngăn chặn sự di căn của bệnh. Thường thì bệnh nhân chỉ cần cắt bỏ khối u và sử dụng thêm phương pháp xạ trị.
2.Ung thư vú giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1A, khối u vẫn có kích thước nhỏ từ 2cm và các hạch bạch huyết chưa bị ảnh hưởng. Còn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 1B sẽ không chỉ có khối u ở vú mà còn tìm thấy khối u tại các hạch bạch huyết ở nách. Đây vẫn là 2 giai đoạn phát hiện bệnh sớm. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp một số liệu pháp để điều trị bệnh.
3. Ung thư vú giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2, các khối u có kích thước từ 2 – 5cm và có thể chưa lây lan sang các hạch bạch huyết hoặc sang các hạch nách. Giai đoạn này được chia là 2 giai đoạn nhỏ: 2A và 2B.
Giai đoạn 2A: Chưa xuất hiện u nguyên phát và chưa đến 4 hạch bạch huyết. Kích thước khối u nhỏ hơn 2cm và chưa đến 4 hạch bạch huyết. Khối u từ 2-4cm và chưa lan tới hạch bạch huyết và hạch dưới cánh tay.
Giai đoạn 2B: Ở giai đoạn, khối u có kích thước từ 2 đến 4cm và tìm thấy các cụm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết, từ 1-3 hạch bạch huyết ở nách hoặc gần xương ức. Hoặc, kích thước khối u lớn hơn 5cm và chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.
Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 2 nên kết hợp các liệu pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kích thích tố.
4. Ung thư vú giai đoạn 3
Khi bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, thì các khối u trong cơ thể đã lan rộng 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch bạch huyết bên trong vú.
Ở giai đoạn 3, liệu pháp điều trị cho bệnh nhân cũng giống với giai đoạn 2. Nếu bác sĩ phát hiện ra có khối u nguyên phát lớn, thì bạn sẽ phải dùng biện pháp hóa trị để làm nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật.
5. Ung thư vú giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)
Giai đoạn này được xem là giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Ung thư vú thường di căn đến xương, não, phổi và gan. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị toàn thân tích cực, đây là phương pháp phổ biến đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối
V.Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào phát hiện những thay đổi ở tuyến vú hoặc phát hiện khối u bất thường, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở điều trị và làm các xét nghiệm để phát hiện tính chất khối U. Cùng với đó đưa ra phương pháp điều trị sớm để nâng cao khả năng chữa bệnh
Bác sĩ sẽ dùng các phương pháp để chẩn đoán ung thư vú:
Kiểm tra tổng quát và tìm hiểu tiền sử gia đình: bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cơ thể bạn, bao gồm xác định khối u hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Bác sĩ cũng sẽ hỏi và điều tra về thói quen sinh hoạt và tiền sử bệnh lý của gia đình bạn.
Kiểm tra vú: bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm kiếm khối u hay các dấu hiệu bất thường ở vú và vùng dưới cánh tay.
Siêu âm vú: siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú. Kết quả siêu âm có thể được in ra và lưu lại.
Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.
Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.
Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm
Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thăm khám, kiểm tra và xét nghiệm.
VI.Điều trị Ung thư vú như thế nào?
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú thích hợp dựa trên các yếu tố sau:
Loại ung thư vú
Giai đoạn bệnh
Kích cỡ khối u
Sự nhạy cảm của tế bào ung thư với hormone
Tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân
Có 5 phương pháp điều trị bao gồm:
1.Phẫu thuật
– Phẫu thuật giữ lại vú. Phẫu thuật này chỉ loại bỏ khối u trong vú.
– Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.
– Phẫu thuật cắt bỏ tận gốc tế bào ung thư. Phẫu thuật này nhằm loại bỏ toàn bộ vú có tế bào ung thư, các hạch bạch huyết dưới cánh tay, lớp thành ngoài cơ ngực.
2. Xạ trị
Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các dạng tia phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay ngăn ngừa chúng phát triển.
3.Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để làm các tế bào ung thư ngừng phát triển. Phương pháp này có thể được sử dụng để làm giảm sự phát triển của khối u trước khi phẫu thuật loại bỏ. Hóa trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ngăn ngừa khối u tái phát triển.
4.Liệu pháp hormone
Phương pháp này được dùng để ngăn chặn hoạt động của các loại hormone và không cho khối u ung thư phát triển. Liệu pháp hormone chỉ phát huy tác dụng với các loại ung thư vú có liên quan đến hormone.
5.Liệu pháp điều trị trúng đích
Đây là liệu pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Những loại thuốc và chất này có thể bao gồm:
Kháng thể đơn dòng.
Thuốc ức chế tyrosine kinase.
Chất ức chế cyclin-CDKs nội tiết.
Bạn có thể được chỉ định một hoặc nhiều phương pháp kết hợp. Bác sĩ sẽ là người lựa chọn cách thức điều trị phù hợp.
VII. Khám và điều trị Ung thư Vú ở đâu tốt? Bác sĩ giỏi? Trang thiết bị y tế hiện đại?
Bác sĩ Mai Văn Sâm 0912290206 sẽ tư vấn cho bạn.
VIII. Kết luận
Ung thư vú thường có thể điều trị được hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Nhưng nhiều chị em không có thói quen khám sức khỏe định kỳ nên bệnh thường phát hiện muộn, khó điều trị hơn
Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm những bệnh lý can thiệp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng tai hại
Ngay khi xuất hiện những biểu hiện, triệu chứng kể trên bạn cần đi khám ngay. Hoặc hỏi ý kiến bác sĩ từ xa để được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời hiệu quả nhất
Trên đây là những kiến thức tổng hợp về căn bệnh Ung thư vú. Nếu có câu hỏi gì cần giải đáp bạn có thể liên hệ để được bác sĩ trực tiếp tư vấn trả lời.
U bã đậu là một loại U thường gặp, nhiều khi U phát triển to gây ảnh hưởng đến xấu sức khỏe cũng như thẩm mỹ cơ thể, gây ra tâm lý hoang mang lo lắng cho người bệnh. Vậy U bã đậu là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu? Có nguy hiểm không ? Chi phí mổ u bã đậu bao nhiêu tiền
Bệnh u mỡ là gì? Nó có gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh không? U mỡ thường mọc ở đâu? Cách điều trị nó như thế nào? Chi phí bao nhiêu? Tất cả các câu hỏi về bệnh U mỡ sẽ có trong bài viết dưới đây
U bao hoạt dịch thường xuất hiện ở nhiều vị trí khớp trên cơ thể, tạo tâm lý lo lắng cho bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp: U bao hoạt dịch là gì? Nguyên nhân, cách điều trị. Mổ u bao hoạt dịch ở đâu? Chi phí mổ u bao hoạt dịch bao nhiêu?
U nang tuyến vú hay bất kỳ khối u nào trên vú cũng gây ra sự lo lắng cho rất nhiều chị em phụ nữ. Vậy U nang tuyến vú là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị U nang tuyến vú như thế nào? Hãy cùng nghe tư vấn của bác sĩ về căn bệnh này
Bài viết về U xơ tuyến vú được viết bởi Thạc sĩ – Bác sĩ Mai Văn Sâm, cùng tìm hiểu về U xơ tuyến vú và cách điều trị từ bác sĩ chuyên khoa
Áp xe vú thường gặp ở phụ nữ thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Không chỉ gây đau và tức ở ngực, áp-xe ngực có thể gây nên sốt, nghiêm trọng hơn là dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác vì vậy người bệnh không nên chủ quan. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp Áp xe vú là gì? Có nguy hiểm không và cách điều trị áp xe vú như thế nào?
U tuyến giáp là một bệnh lý phổ biến, đa số là lành tính nhưng cũng có số ít những trường hợp tiến triển thành ung thư tuyến giáp.Người bệnh thường lo lắng thắc mắc về: U tuyến giáp có nguy hiểm không? Có phát triển thành ung thư không? Cách điều trị và chi phí điều trị thế nào?